NGÔI TRƯỜNG ƯƠM CHỮ, DẠY NGHỀ  CHO NHỮNG "MẦM XANH ĐẶC BIỆT"

Thứ hai - 04/12/2023 21:59 316 0
Giữa lòng thành phố Vinh nhộn nhịp, sôi động có một ngôi trường với bề dày hơn 45 năm, các thầy cô giáo đến lớp với tình yêu thương, sự kiên trì và những trang giáo án đặc biệt dành riêng cho các em học sinh bị khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Những tiết học bằng tay, những lời chỉ bảo nhẹ nhàng để các em bình tĩnh trở về chỗ ngồi học bài nghiêm túc đã trở thành câu chuyện quen thuộc với các em học sinh và các thầy cô giáo công tác tại Trung tâm Giáo dục- Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An
NGÔI TRƯỜNG ƯƠM CHỮ, DẠY NGHỀ  CHO NHỮNG "MẦM XANH ĐẶC BIỆT"


         


Một tiết dạy học âm nhạc bằng ngôn ngữ ký hiệu của cô và trò Trung tâm
Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An được thành lập vào năm 1978, tiền thân là "trường Tật học I Nghệ Tĩnh". Buổi đầu sơ khai, trường chỉ có 01 lớp và 01 giáo viên đến nay Trung tâm đang nuôi dạy có hơn 300 học sinh bị khuyết tật về cơ thể và trí tuệ. Những giáo viên trong môi trường chuyên biệt này ngoài việc dạy chữ, dạy nghề còn có nhiệm vụ trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh. Vì thế, tình cảm thầy trò nơi đây có rất nhiều điểm đặc biệt, trên tất cả vẫn là tình yêu thương và gắn bó như những người chung một mái ấm.
            Là giáo viên trực tiếp đứng lớp gần 20 năm, cô giáo Phan Thị Huyền, Phòng Ciáo dục chuyên biệt, bán hòa nhập đúc rút ra một thực tế, việc dạy trẻ khuyết tật rất khó khăn, gian khổ, đòi hỏi người giáo viên phải thể hiện được tình thương yêu và trách nhiệm với trẻ và với gia đình trẻ. Thấm thía nỗi đau của các bậc phụ huynh có con bị khuyết tật, bản thân cô luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục với nhiều sáng kiến đã được áp dụng và đạt kết quả.Trong giờ dạy của mình, cô giáo Phan Thị Huyền luôn dẫn dắt học trò nắm bắt ý nghĩa, nội dung bài học thông qua các cử chỉ. Từ đó, mối liên hệ, tình cảm giữa cô và trò, giữa học trò với nhau càng thêm gắn bó. Cô Huyền chia sẻ, mới đây thôi, chỉ vì cô giáo cho điểm kém mà em Trần Châu Phúc đến từ huyện Đô Lương khóc ròng cả ngày, nhất quyết không chịu lên lớp. Cô phải xuống tận nơi dùng ngôn ngữ ký hiệu, động viên, khích lệ để em lên lớp và trên hết giúp em nhận rõ được hành động đó là sai trái, cố gắng học tập để lần sau đạt điểm cao hơn.

Tiết học Tiếng việt của cô giáo Phan Thị Huyền với lớp khiếm thính

.
Với học sinh khuyết tật về trí tuệ, việc dạy học càng khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Bởi lẽ, mỗi em một tính cách, khả năng tiếp nhận cũng khác xa nhau nên giáo viên phải hiểu rõ đặc điểm cụ thể của từng em để có phương pháp giáo dục phù hợp. Mỗi giáo viên phải thực sự như một người mẹ thấu hiểu và chia sẻ cùng các em. Trong giờ học, các em học sinh học sinh đứng lên bàn, leo lên cửa sổ rồi hò hét khiến cả lớp náo động xảy ra thường xuyên,  các cô giáo phải tạm dừng công việc, đến bên cạnh vỗ về, động viên em ngồi lại ngay ngắn.

Ở Trung tâm, bên cạnh việc dạy học văn hóa các em học sinh còn được các thầy cô tận tụy hướng dẫn nghề may, nghề điện, nghề thêu, nghề mộc...để ra đời có một công việc phù hợp nuôi sống bản thân. Học sinh của Trung tâm sau khi ra trường, đã được giới thệu vào những công ty may lớn như Minh Anh, Hồng Loan... Một số em đã mở được cơ sở kinh doanh riêng và gây được tiếng vang lớn như doanh nghiệp may rèm cửa Hồng Quân

Một tiết học nghề may của cô và trò Trung tâm

          Trên lớp miệt mài với từng tiết dạy, đến bữa ăn, các thầy, cô giáo còn dành thời gian quan tâm, chăm sóc học trò, nhất là những em gặp khó khăn trong sinh hoạt và đi lại. Thời gian đầu mới tiếp cận công việc, hầu hết thầy, cô bỡ ngỡ, hết sức lo lắng, thậm chí có người định chùn bước. Nhưng qua thời gian, công việc quen dần, tình yêu thương ngày càng lớn lên, luôn quan tâm lo lắng, dành thời gian chăm sóc và xem học trò như con của mình
          Là quản lý khu nội trú của Trung tâm, thầy giáo Hồ Đức Thành có điều kiện gần gũi với học trò nội trú. Thầy chia sẻ, gia đình đã gửi gắm các em cho chúng tôi, các thầy các cô có trách nhiệm phải chăm lo, dạy dỗ cho các em, vừa làm thầy làm cô vừa phải là làm cha làm mẹ để chỉ bảo cho các con từ những việc nhỏ nhất. Các em đến đây, từ chưa biết vệ sinh cá nhân hàng ngày, các cô, các thầy phải “cầm tay chỉ việc”, giúp các em làm được những việc phù hợp với lứa tuổi.

Một tiết mục văn nghệ do các bạn học sinh khiếm thính biểu diễn

          Suốt hành trình dạy trẻ khuyết tật, điều trăn trở lớn nhất của nhiều thầy, cô giáo là tìm cách để xoa dịu những thiệt thòi của các em, giúp các em tiến bộ hơn mỗi ngày và hòa nhập với cộng đồng. 45 năm xây dựng và phát triển, hành trình để những “mầm xanh đặc biệt” vươn lên thành cây, để những “chuyến đò” tri thức cập bến vẫn còn dài và nhiều chông gai song với những kiến thức, kỹ năng và tình yêu của những thầy cô giáo của Trung tâm với những người học trò đặc biệt, các em sẽ có thêm điều kiện để phát triển, trở thành người có ích cho xã hội.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay10,187
  • Tháng hiện tại106,154
  • Tổng lượt truy cập12,307,982
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây